Văn xuôi


                                                              NƠI LƯU GIỮ KỈ NIỆM KHÓ PHAI 

           Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng sẽ có riêng cho mình những khoảnh khắc khó quên của quãng đời học sinh. Và đối với tôi cũng vậy,những ngày tháng chia tay với mái trường cũ để bước vào môi trường mới, một cánh cửa mới của đời tôi thật sự là giây phút khó quên.

          Chia tay với chiếc khăn quàng đỏ, với mái trường cấp hai, ngưỡng cửa cấp ba đã dần đến. Một cảm giác bồi hồi, là lạ lại tràn về trong tôi. Tôi ngỡ như mình được trở về với những ngày đầu bước vào lớp Một, ngỡ như những ngày đầu chập chững bước qua cánh cổng THCS. Cảm giác ấy vẫn khó tả như ngày nào. Cánh cửa THPT đã mở ra sau ba tháng hè oi ả. Nơi đây giờ đối với tôi xa lạ hoàn toàn.Trường mới, bạn mới, thầy cô mới, cách học mới và cả một môi trường mới. Tôi sẽ phải thích nghi dần,làm quen dần với môi trường mới vì ba năm cuối ở đây sẽ quyết định cuộc đời tôi.Tôi bất chợt nghĩ rằng đây sẽ là khoảng thời gian thật sự gian nan,thử thách vì đây là nơi tôi cho là xa lạ. Nhưng không, ý nghĩ ấy dần bị dập tắt khi tôi đến trường nhận lớp, biết thầy cô, bạn bè, lớp học mới. Lúc ấy, tôi mới biết tất cả đều thân thiện như những ngày tôi còn học ở các lớp dưới. Mọi thứ quả thật đều rất mới,từ quang cảnh, ngôi trường và đến cả những con người. Thế nhưng tất cả như đều lưu lại cho tôi những kí ức về buổi đầu chập chững ấy. Tháng Tám-tháng giao mùa từ cuối hạ sang thu-tháng mà những chùm phượng vĩ chỉ còn thưa thớt vài nhánh nở muộn. Và cũng là tháng mà chúng tôi đến trường với những bài học đầu tiên. Giờ đây tôi đã là học sinh cấp ba,được khoác trên mình bộ đồng phục áo dài trắng truyền thống có vẻ trông tôi nữ tính hơn so với hồi cấp 2 mặc quần tây áo trắng. Được mặc bộ đồng phục mới mà trước đây tôi chưa từng mặc,ngồi gần người bạn tôi chưa từng quen, được học những thầy cô mà giờ đây tôi mới biết. Những cảm xúc lại trào dâng khó tả xen lẫn cả niềm vui nhưng hòa vào đó lại thoáng chút nỗi buồn. Niềm vui vì tôi đã như được trưởng thành hơn và được biết thêm nhiều điều mới mẻ từ những bài dạy, bài học mới. Nhưng tôi buồn vì đâu đó tôi thấy những người thầy cũ, những người bạn cũ và cả những lời khuyên chân thành của thầy cô vào ngày tôi tốt nghiệp cấp 2. Nhưng thời gian có bao giờ dừng lại, nó sẽ lặng lẽ trôi mãi, trôi mãi không bao giờ dừng. Và tôi sẽ phải cố gắng để nắm giữ từng giây, từng phút ấy.

Mái trường THPT là nơi tôi chỉ "dừng chân" ở ba năm học. Ba năm quãng thời gian không phải là dài nhưng tôi nghĩ thời gian ấy đã đủ để tôi lưu giữ những kỉ niệm đẹp về ngôi trường mới này. Và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được ngày này-ngày đầu tiên tôi bước vào ngưỡng cửa THPT.

                                                                                                           -- NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG --




                                                       
                                                      THẦY TÔI


         Nắng vẫn vàng và trời vẫn còn xanh nhưng nghe trong gió rét mướt luồn theo về. Hàng cây chuyển màu rồi dần phô cành gầy guộc. Thu chạm ngõ mang theo chút dư vị của những hoài niệm như nốt trầm nhẹ nhàng trong bản đàn, lắng đọng. Sáng thức dậy, đạp xe đoạn đường dài gần mười cây số nghe hơi lạnh luồn sau cổ áo, một hành trình ngược gió buốt! Tiếng loa phát thanh cũ mèm phát ra giai điệu của bài Người thầy năm xưa: “Một vì sao lấp lánh, về trong đêm tối vắng. Thầy đã thắp sáng cho tôi bao ước mơ. Dìu đôi chân bỡ ngỡ, hòa trong tia nắng ấm, thầy chắp cánh để tôi bay vào   đời . Bước trong sân trường xưa, hàng ghế đá ngẩn ngơ nhìn theo…”
Giọng hát của Khánh Ngọc tha thiết, như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Và tôi thấy mình có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ.
         Đoạn kí ức chập chờn rồi bỗng ùa về trong tâm trí tôi ngày một rõ hình ảnh một người đàn ông tuổi tầm 40 đang say sưa kể chuyện và phía dưới là 50 gương mặt với sự tò mò và hứng thú hiện rõ. Vâng đó chính là thầy Nguyễn Trung Sơn, người thầy mà chúng tôi kính trọng nhất trong cuộc đời mình.
        Thầy chúng tôi không phải là người dễ gần, lúc đầu, khi mới vào lớp 10, ai nấy trong chúng tôi đều rất sợ thầy vì nghe tiếng thầy khó tính nhưng khi được tiếp cận với cách dạy học của thầy tôi mới biết, thầy là người thầy đúng với danh: Ai được học thầy là “phúc đức ba đời”. Thầy không chỉ dạy cho học sinh của mình những kiến thức vô báu mà còn truyền dạy cho chúng ta  “kỹ năng sống” vô cùng quý giá. Thầy đã dạy cho chúng tôi biết trân trọng hơn về tình yêu thương, sự hy sinh bao la của cha mẹ. Dạy cho chúng tôi trở thành một người con hiếu thảo, một người học sinh biết “ Tôn sư trọng đạo”. Không những thế thầy còn dạy cho chúng tôi cách sống, cách giao tiếp hằng ngày sao cho chuẩn mực. Thầy như người cha dạy lẽ phải, điều hay cho những đứa con của mình một cách tận tụy. 
Thầy là ánh bình minh khơi sáng cuộc đời chúng tôi.
      Hơn 20 năm giảng dạy ở mái trường THPT Ba Gia, thầy đủ “khả năng” biết được học sinh của mình cần những gì và kể cả chúng muốn gì thầy cũng biết tất. Thầy đã cố gắng tận tụy hết mình để phục vụ cho sự nghiệp giảng dạy. Thầy tự nhận mình là một giáo viên mang thiên hướng “bạo lực”. Có lẽ ai đã từng “qua tay” thầy đều thấy được sự “bạo lực” ấy nhưng qua đó mà chúng đều nhận ra được sự quý giá trong những lần bị “bạo hành” ấy. Thầy vẫn hay nói : “Thà đổ mồ hôi nơi thao trường còn hơn đổ máu nơi chiến trường”.
        Tập thể chúng tôi thật “phúc ba đời” khi được thầy chính tay dìu dắt và dạy bảo suốt 2 năm qua.
Với những suy nghĩ chưa chín chắn và còn trẻ con, chúng tôi đôi lúc làm thầy phật lòng. Với những lần bày trò tinh nghịch, ngây thơ ấy chúng tôi đã vô tình làm thầy buồn. Chúng tôi rất hối hận.
Thầy! Nhân ngày 20-11 chúng em chân thành gửi đến thầy lời chúc sức khỏe, thành công trong sự nghiệp trồng người...

                                                                                                                      --Tập thể 11B11--   


          
                                                               NGƯỜI THẦY NĂM XƯA



                   
       “Không thầy đố mày làm nên’’ đây là một câu tục ngữ quen thuộc  nói về nghề nhà giáo, nghề mà cống hiến những tinh hoa đẹp đẽ cho sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, đối với những học sinh đang thời cắp sách đến trường như chúng tôi thì thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ hai. Vì vậy, tôi rất yêu qúy và vô cùng biết ơn các Người thầy của mình, nhưng người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc và những bài học qúy giá nhất là thầy Đỗ Tấn Khoa - thầy giáo dạy tôi môn giáo dục công dân lớp 10, kiêm là phó hiệu trưởng trường THPT Ba Gia.
         Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá, cũng đã một năm rồi, lúc ấy, chúng tôi còn là những học sinh mới của cấp THPT, còn bỡ ngỡ lắm! Vậy nên khi nghe thầy phó hiệu trưởng sẽ đảm nhiệm môn GDCD của lớp, cả lớp đều tỏ ra bối rối. Rồi cái ngày gặp mặt cũng đến,tôi lại rất ngạc nhiên khi nhìn thấy thầy Khoa: một sự giản dị, hiền hậu, gần gũi cả trong đôi mắt và nụ cười, ngay từ giây phút ấy, tôi đã qúy thầy. Đến bây giờ, cái cảm giác ấy vẫn cứ dâng trào trong tôi, mọi thứ đều hiện lên rất rõ, cứ như ngày hôm qua: tóc thầy đã chấm bạc nhưng tâm hồn luôn tươi trẻ vì vậy trong tiết học chúng tôi luôn vui vẻ qua các câu chuyện của thầy, rồi sự tận tụy truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức bổ ích và cả những bài học cuộc sống đáng nhớ. Dù là ở trên cương vị hiệu phó hay là một người thầy giáo, thầy Khoa luôn làm tốt công việc của mình.
      Đối với tôi thầy vừa là người thầy, vừa là người cha thứ hai, ở thầy tôi không những học được nhiều kiến thức về đạo đức, nhân phẩm,... mà còn học được sự chín chắn, mỗi ngày tôi càng trưởng thành hơn, tôi biết qúy trọng bản thân, yêu cuộc sống và gia đình của mình. Thầy quan tâm học sinh của mình và khuyến khích tinh thần học tập của chúng tôi, đặc biệt thầy đã giúp chúng tôi yêu quý các môn xã hội hơn. Có những lúc, lớp tôi làm thầy buồn, nhưng thầy không hề la mắng hay trách phạt, thầy chỉ nhẹ nhàng phân tích cho chúng tôi hiểu và nhận thức được lỗi sai của mình.
       Dù lúc này, thầy không còn đứng lớp nữa nhưng hình ảnh của thầy vẫn luôn in sâu trong lòng chúng tôi. Tôi thật sự kính trọng và biết ơn thầy rất nhiều vì tất cả những gì thầy đã truyền đạt cho tôi.
                                          
        Đó là toàn bộ những tình cảm của tôi đối với  Người thầy của tôi! Còn bạn thì sao? Bạn chắc chắn phải có một thời cắp sách đến trường, dù là ở đâu, dù bao lâu thì chắc chắn bạn cũng có những kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè. Kỷ niệm vui, buồn, hồi ức về thầy cô, bạn bè, trường lớp, đều đáng để nhớ và trân trọng. Có lẽ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường không ai trong chúng ta cảm nhận được hết hơi ấm từ bạn bè, từ những lời răng dạy của những tâm hồn trên bục giảng. Một số người trong chúng ta, thấy những lời răng đe, trách móc của thầy cô là thừa và lấy làm khó chịu vì tất cả những điều đó, chỉ muốn nhanh thật nhanh tốt nghiệp để bay xa thật xa những ngày tháng gò bó bên những thầy, cô với bảng đen và phấn trắng. Nhưng thế rồi? Khi đã xa, bạn sẽ cảm thấy như mình đã đánh mất thứ gì đó rất lớn trong đời. Chẳng còn những lời răng đe, chẳng có trách phạt và chẳng thể lớn lên thêm được nữa. Không còn những người hướng dẫn trong đời, chúng ta phải tự học hỏi, tự rút ra kinh nghiệm từ những bài học có thật trong cuộc sống. Và những bài học thực tế của cuộc sống thì không còn khô khan nữa, nó sinh động, nó nóng hổi và chúng ta không có nhiều cơ hội để làm sai, vì khi làm sai chúng ta phải trả giá chứ không đơn giản là lời răng đe vô hại. Đến khi đó bạn mới hỏi: “Còn ai nhớ, ai quên con đò xưa…?” Lúc đó phải chăng là muộn lắm không? Hãy quý trọng những năm tháng học trò, hãy cố gắng tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Có thể bạn không tin tôi, nhưng những thầy giáo, cô giáo đang đứng trên bục giảng kia, họ không chỉ có bảng đen và phấn trắng, họ còn có tình yêu vô bờ dành cho bạn, cho tôi và cho những ai được gọi là học trò. Họ có cái gọi là tâm huyết với mỗi phần tương lai nhỏ bé. Hãy suy ngẫm và cảm nhận đi, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy một định hướng cho tương lai của mình từ nơi thầy cô của bạn. Vì từ những bài học và lời răng dạy chúng ta sẽ lớn lên mạnh mẽ, sẽ góp nhặt được nhiều điều cho cuộc sống và những va chạm thực tế trong cuộc đời phía trước. Hãy sống hết mình cho những năm tháng quý báu mà các bạn sẽ có, đang có, và đã có các bạn nhé!…
         Cuối bài viết này, tôi không thể quên nói lên lời tri ân đối với thầy Khoa cũng như các thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng miệt mài trồng người. Tôi kính chúc quý thầy cô có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều đóa hoa tươi thắm trong sự nghiệp của mình.
                                                                                                 
                                                                                                  --Nguyễn Thị Thuỳ Trang--
                                                                                                  --Nguyễn Thị Lan Hương--





                                              NGƯỜI NÂNG BƯỚC CHO CON TRÊN TỪNG 
                                          BẬC THANG CUỘC SỐNG  

                                                                  “Ngày ngày cắp sách đến trường 
                                                                    Cơm cha áo mẹ tình thương cô thầy”

            Lời thơ như vang vọng trong tâm hồn mỗi con người. Khi sinh ra, cha mẹ cho ta hình hài, dáng đứng, cho ta dòng sữa mát lành và nuôi ta lớn lên. Rồi cuộc đời lại bước sang một hướng đi mới khi ta cắp sách đến trường, cho ta gặp những người cha, người mẹ thứ hai, nơi đó dòng sữa ngọt chính là nguồn tri thức và lời cha dạy, là lời thúc giục, vẫy gọi ở ngoài kia khơi xa của cuộc đời. Công ơn trời bể đó, chúng em không một phút lãng quên, vì vậy ngày hôm nay – ngày lễ các nhà giáo Việt Nam 20 – 11 cho chúng con được bày tỏ lòng mình, được nói lên những tâm tư, suy nghĩ về các thầy, các cô thân yêu.
            Thầy cô ơi! Hai tiếng gọi thân thương con mang trong tim suốt cuộc đời. Dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, con vẫn chưa đi hết lời thầy cô chỉ dạy; dẫu có bước lên muôn đỉnh vinh quang con vẫn biết rằng người nâng bước đôi tay con trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của các thầy, các cô.
            “Thời gian qua mùa thu nay có khác Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sau Nghĩa thầy cô một đời không trả hết Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu” Có ai đó đã từng nói rằng “Tuổi học trò cũng như người thợ đang xây nền móng cho tòa nhà...”, con cũng như bao đứa trẻ kia, vô tư đùa nghịch để đôi khi tự làm vỡ những viên gạch của đời mình. Con đâu biết sau lưng mình là bóng dáng thầy cô hao gầy theo năm tháng, mong mỏi cho con từng bước trưởng thành để đến khi nhận ra con chợt thấy bâng khuâng, nuối tiếc.
            “Một mùa thi như bao mùa thi trước Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò Phấn trắng bảng đen nét mực thầy vẫn đó Sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa...” Cái ngày xưa của một thời kỷ niệm, quá khứ đã qua đi sẽ không bao giờ quay lại nhưng những hồi ức về 1 thưở đến trường dưới vòng tay thầy cô sẽ không bao giờ phai nhòa trong mỗi học sinh. Tình thương yêu trân trọng đó, chúng con muốn gửi đến không chỉ là hôm nay mà lớp lớp thế hệ thầy cô quả ngày hôm qua, của ngày mai ... như truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cha mẹ dạy con từ thuở lọt lòng.
            Sinh ra trong cuộc đời, không ai có biết được tương lai của đời mình nhưng mỗi chúng con nhận thức được rằng: tri thức chính là hạt giống mà thầy cô ươm mầm trong tim mỗi học trò. Cây có đơm hoa kết quả, quả có chín ngọt lành hay không chính là sự vun đắp của chúng con dưới sự chỉ dạy của thầy cô.
            Qua bao lứa tuổi học trò – bao mùa cây đơm hoa kết trái, thầy cô vẫn âm thầm, lặng lẽ. có mấy ai quay về trường cũ, cũng như cây cây kia chỉ mãi vươn lên trời xanh nhưng thầy cô vẫn luôn giữ vững niềm tin và biết rằng ở trên cao kia là ánh sáng của chân lý, là những đứa con càng khắc ghi thêm những cống hiến âm thầm, lặng lẽ.
            Chúng con muốn được cảm ơn thật nhiều vì tình yêu thương, che chở của các thầy, các cô nhưng lời con nói làm sao kể hết ân tình. Tự khắc ghi trong tâm trí mình, chúng con nguyện là những đứa con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với biết bao công sức, ân tình của thầy cô.
            Khi bạn mở cánh cửa bước vào cuộc sống, nghĩa là bạn đang bắt đầu cuộc hành trình tự khẳng định mình để khám phá ý nghĩa của cuộc sống và thực hiện mọi mục tiêu mong muốn của bản thân. Để chinh phục hành trình đầy khó khăn này thì tri thức chính là hành trang của chúng ta và Thầy cô chính là những người ngày đêm gom góp, truyền đạt cho chúng ta.
            Từ ngày đầu tiên đi học bập bẹ làm quen với những con số 1,2,..rồi đến những chữ cái A, Ư…cho đến hôm nay mặc dù chúng ta đã khôn lớn đã phần nào tự mình tìm tòi học hỏi và đã sở hữu một vốn kiến thức nào đó.
            Thế nhưng, không phải lúc nào cuộc sống cũng bắng phảng suôn sẽ như bạn nghĩ- mà có cả những trở ngại khó khăn. Có những sự cố thất bại làm bạn mất niềm tin, tổn thương hay gục ngã tưởng chừng không thể đứng lên được nữa, mọi ước mơ tốt đẹp dường như sụp đổ. Bạn trở nên hụt hẫng, tuyệt vọng và mất niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống.
            Những lúc như thế bạn hãy nhớ đến hình ảnh cây trúc- chúng đã biết tự vươn lên sau những lúc oằn mình chịu đựng giông bão, và sau những lần như thế, mầm non vẫn tiếp tục đâm chồi lá xanh mướt và thân trúc trở nên vững vàng cứng cáp hơn …
            “ Tre già măng mọc có gì lạ đâu”
            Đúng như câu nói trên Tre già thì măng mọc là chuyện bình thường nhưng bạn có biết chăng để cho những búp măng non vươn mình ra khỏi đất thì đó chính là kết quả của cả một quá trình rễ trúc làm việc cặm cụi trong mọi điều kiện gom góp tích lũy dinh dưỡng cho thế hệ sau. Thầy cô cũng giống như vậy đó các bạn, sở hữu một trái tim yêu nghề, tấm lòng nhân hậu luôn hướng về học sinh cùng với bầu nhiệt huyết luôn nóng cháy, Thầy cô luôn luôn không ngừng trao dồi kiến thức, bôn ba tìm tòi học hỏi, gom góp kiến thức và khao khát truyền đạt, mong mỏi học trò tiếp thu để sau này vững trãi bước vào hành trình của cuộc sống.
            Thầy cô là như vậy đó, còn chúng ta thì sao? Có phải đợi đến ngày 20/11 hay dịp lễ tết gì đó chúng ta mua một món quà kèm theo một lời chúc gởi đến thầy cô là đủ rồi không. Các bạn học sinh hãy tự tìm câu trả lời cho riêng mình. 
                                                                                                              -- HUỲNH THỊ THU HIỀN --
         


                                                                            THẦY CÔ

              “ Xin cho con một lần được gọi cô là mẹ, gọi thầy là cha và mái trường là gia đình…”
         Thầy cô – những tiếng gọi tri thức, ấm áp. Là những người mà bọn trẻ nít, trong mắt chúng là những ông bụt, bà tiên bước ra từ truyện cổ tích, là những bậc hiền nhân tri thức đáng ngưỡng mộ tự bao thời. Chính họ - là những thầy cô đã vun đắp bao ước mơ, hi vọng bé nhỏ, tạo ra bao kỉ niệm vui của tuổi học trò. Công lao ơn nghĩa nặng sâu bao đời khó phai nhòa, cứ thế dần lớn lên theo từng bước đi của thời gian. Có lẽ, chúng ta lúc còn nhỏ đã quen với cái sự bao bọc, yêu thương của gia đình rồi. Nhưng đến lúc mà ta cần phải rời khỏi cái vòng tay bao bọc kín đáo ấy để mà tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đi tiếp thu những kiến thức, kĩ năng mà trong cuộc sống chảy dài tất bật này cần nó. Ta có bỡ ngỡ, run sợ?
        Tất nhiên rồi ! Bố mẹ không thể sát cạnh bên để ta bấu lấy vạt áo mãi được. Tuy vậy, để có thể làm quen hơn với cái thế giới đầy lạ lẫm này, thì những người thầy, người cô đã nhẹ nhàng đến bên mà nắm lấy đôi bàn tay non nhỏ này và dẫn ta đến với cánh cổng tri thức sang lóa đang mở rộng mà mọi người hay gọi thân thuộc là “Nhà trường”. Họ ôm lấy,vỗ về những đứa con mới lần đầu gặp mặt mội cách thân yêu lạ thường khi chúng khóc, tặng chúng những viên kẹo nhỏ để khích lệ tinh thần nhỏ bé ấy. Thầy cô nâng niu những đứa con (học trò) bé bỏng yêu dấu như bao người cha, người mẹ đẻ của chúng từng làm. Thật bình yên biết bao ! Rồi những lúc, những cái miệng tròn xinh ê a đánh vần từng chữ cái, đọc từng câu thơ hay cầm bút vụng về đặt từng phép toán. Thì đó là khi ta thấy thầy cô nhiệt tình và vất vả như thế nào. Cẩn thận nhẹ nhàng chỉ cho những học trò nhỏ một cách cặn kẽ vì họ muốn ta tiếp thu những kiến thức chính xác của cuộc sống, để mà ta có thể hoàn thiện bản thân một cách thuần phục mà vững bước trên đôi chân sau này, để có thể tự tin hơn trên con đường đầy gian nan thử thách đang đợi ta khám phá. Những người thầy, người cô, ta không cần phải cao sang, cách điệu họ quá, mà chỉ cần đơn giản, gần gũi là ta có thể thấy họ thương chúng ta đến nhường nào. Có theer nói cụ thể là “ cha và mẹ”   nhưng là “thứ hai” . Chỉ cần vậy thôi, “người cha, người mẹ thứ hai ” cũng đã làm rung động bao trái tim bé bỏng này rồi, ta lại càng thêm yêu, thêm trân trọng những vốn kiến thức mình đã và đang có biết bao nhiêu. Thầy cô như mẹ cha. Đúng thế, cũng kể chuyện cổ tích, cũng nhìn ta trìu mến, cũng dạy ta nên người. Cũng nhẹ nhàng xoa đầu ta với một bàn tay ấm áp đếp tận sâu trong lòng. Cũng dồn bao tâm huyết vào chúng ta, mong sao sau này thành đạt. Cũng vui mừng qua ánh mắt, đôi môi khi ta đạt điểm cao, làm việc tốt. Cũng buồn qua từng giọt lệ u sầu, đắng cay khi ta làm điều xấu, đạt điểm kém. Những đứa trò khiến thầy cô buồn có đứng lặng đắng lòng, tội lỗi nhìn từng giọt lệ rơi để nghĩ rằng làm sao mà đền đáp họ không ? Những người không là những người không phải là những đứa học trò ngoan đã làm cho những con người của nhân loại phải đau lòng.  Rằng họ không nghĩ đến cái bóng dáng thân thương miệt mài bên ánh đèn khuya trong cái cảnh đêm mờ gần sáng, thức trắng đêm chỉ vì mong cho ta những cái tinh túy, thuần khiết, tri thức nhất để đó có thể là điểm tựa cho ta xuất phát trên cái quãng đường của đời người.  Ngắm nhìn mái tóc đã bạc trắng theo từng lời giảng trôi với thời gian, nhìn cái nếp nhăn đang hiện rõ dần trên khuôn mặt đôn hậu ấy mà có thắc mắc rằng : “Tại sao thầy cô lại hi sinh nhiều cho chúng em đến như vậy ?” Cứ nghĩ đơn giản vì họ là giáo viên nên phải dạy cho học sinh thì đó là không phải. Nhiệm vụ cao cả của giáo viên là trồng người, là vun đắp kiến thức, là truyền cho cái lòng nhiệt thành, chạm đến trái tim hiếu học và khơi dậy lòng ham học hỏi ở mỗi con người.
         Các nghề như bác sĩ, kĩ sư, tiến sĩ,… đều nhờ nghề nhà giáo mà thành. Thầy cô truyền đạt lại những vốn kiến thức của họ cho học sinh với mong muốn những kiến thức ấy sẽ giúp ích cho học sinh vững bước và thành đạt trong tương lai. Nghề nhà giáo áp lực lắm, cứ như là tương lai của nhân loại đang đổ dồn vào họ vậy, chứ không phải đơn giản cứ dạy là dạy đâu !
         Bây giờ ta mà diễn tả bằng lời những công lao to lớn tựa biển rộng trời xanh thì đến bao giờ mới hết? Ta chỉ có thể là tấm lòng, tự tận sâu trong con tim bao điều muốn nói. Và nhân đây, ngày 20 tháng 11, cái ngày mà nghề nhà giáo được đưa lên đến đỉnh điểm, để cho những người học sinh có thể đền đáp, tri ân. Để có thể bày tỏ những tâm sự trong lòng thầm kín bấy lâu không dám nói với thầy cô : “Thầy ơi ! Thầy là người tuyệt vời nhất đấy ạ!” Trông thầy có vẻ to lớn và nghiên nghị đến đáng sợ nhường nào thì chúng em lại càng thương yêu thầy đến chừng đó. Vì chúng em biết, tất cả là vì những lợi ích của những “tiểu quỉ” nghịch ngượm này phải không ạ? Và thầy thật ra có một trái tim cực kì ấm áp như những người cha đó ạ! Cô ơi! Cô rất đẹp, cô giảng hay và vui lắm ạ, cô khéo tay lắm đấy, bọn em yêu quí cô lắm đấy. Cô ngọt ngào như một người mẹ, sâu lắng như một dòng sông không bao giờ cạn. Cô yêu thương chúng em với tấm lòng của một người mẹ, và chúng em cũng yêu cô lắm,quí cô lắm. Thầy cô mãi mãi là những tấm gương sáng trong lòng chúng em. Cho dù có đi xa, hay thầy cô khác đi so với trước như thế nào thì trong lòng chúng em vẫn một mực với cái tình yêu và lòng biết ơn sâu nặng nhất.
        Vẫn mãi cái hình bóng thật gần gũi nhưng cao quí ấy trong bộ óc của chúng em vẫn lưu giữ mãi. Và giữ lại những tình yêu cao cả ấy gắn liền vào con tim, để chúng con thấy con tim như đang hòa cùng nhịp đập với người… “Yêu lắm,…người cha,…người mẹ thứ hai của chúng tôi…!”
                                                                                                                            
                                                                                                                    --Vũ Thị Cẩm Giang--







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người theo dõi